Theo quy định, để xác định giá trị khi cổ phần hóa, doanh nghiệp có thể áp dụng hai phương pháp là chiết khấu dòng tiền (DCF) và xác định giá trị theo tài sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, hai cách này đang gặp phải rất nhiều hạn chế.
Phương pháp chiết khấu dòng tiền được xác định dựa trên cơ sở thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp. Cách tính này được coi là sẽ làm chính xác hơn giá trị của các công ty đang hoạt động có hiệu quả và khả năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, bảo hiểm... Việc áp dụng phương pháp này cũng sẽ giải quyết được một phần các vướng mắc trong việc xác định lợi thế thương mại của doanh nghiệp, tạo độ chính xác của giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đang làm ăn có lãi, thương hiệu và thị phần trên thị trường
Để có thể áp dụng phương pháp này, các doanh nghiệp phải xác định được những thông tin chủ yếu như tỷ suất lợi nhuận của 3-5 năm liền kề và dự kiến trong 5-10 năm tương lai, tỷ lệ tăng trưởng, hệ số rủi ro... Đây là những thông tin không thể thiếu khi áp dùng phương pháp này.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Đức, Giám đốc tư vấn Công ty Kiểm toán Việt Nam, việc xác định những thông tin trên hiện nay rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều dữ liệu trên để có thể chính xác phải do tính toán của các chuyên gia. Với những yêu cầu khá phức tạp của phương pháp trên nên trên thực tế chưa được áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, do tâm lý đại bộ phận doanh nghiệp không muốn giá trị được đánh giá cao vì sợ khó bán cổ phần cũng như bất lợi trong việc phân chia cổ phần ưu đãi trong nội bộ doanh nghiệp.
"Ngoài ra, kết quả của phương pháp này dựa nhiều vào những dự đoán kinh doanh trong tương lai, trong khi đó, không có gì để đảm bảo trong tình hình biến động về các chính sách như hiện nay", ông Đức nói.
Sự phức tạp của phương pháp trên đã khiến nhiều doanh nghiệp chọn cách tính theo giá trị tài sản. Song nhược điểm lớn nhất lại là không tính được chính xác được lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, phương pháp này = giá trị thực tế của toàn bộ tài sản theo giá thị trường + lợi thế kinh doanh.
Trong đó: Lợi thế kinh doanh được = phần vốn Nhà nước theo sổ kế toán tại thời điểm định giá x (tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn Nhà nước bình quân trong 3 năm trước khi cổ phần hóa- lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm gần nhất).
Tuy nhiên, theo ông Đức, việc tính toán chỉ dựa trên các chỉ số này sẽ không đảm bảo tính chính xác. Chẳng hạn như tỷ suất lợi nhuận có thể tăng đột biến trong 1-2 năm gần đây do điều kiện đặc biệt hay doanh nghiệp kê khai không chính xác nên sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến tới kết quả tính toán.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Xuân Vệ, Ban đổi mới doanh nghiệp, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn Nhà nước bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, trình độ quản lý và ngay cả chính sách, trong khi lợi thế chỉ là một yếu tố cấu thành nên lợi nhuận của doanh nghiệp. Ông Vệ cũng nêu ví dụ về một doanh nghiệp trực thuộc là Công ty chế biến và kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ. Đơn vị này kinh doanh mặt hàng xăng dầu, lợi nhuận của công ty phụ thuộc chủ yếu vào giá cả trên thế giới và chính sách giá cả của Nhà nước. Nếu giá nhập khẩu xăng dầu tăng cao mà giá bán ra vẫn giữ nguyên (Nhà nước quản lý giá mặt hàng này) thì đương nhiên lợi nhuận của công ty sẽ bị giảm, thậm chí lỗ nếu không được bù giá.
Tin tức khác